Sau lệnh đóng cửa để cách ly xã hội, chuỗi 80 cửa hàng GenViet Jeans xoay sang bán online, từ sếp tới nhân viên đều có chỉ tiêu doanh số để "đẩy" hàng.

"Những tác động của dịch Covid-19 đến ngành thời trang, may mặc chưa bao giờ khốc liệt đến thế. Chúng tôi thay đổi kế hoạch từng giờ, từng ngày chứ không đơn thuần theo tháng, theo quý như trước đó", đó là chia sẻ của bà Trịnh Thanh Hải, Giám đốc thương hiệu của hãng thời trang GenViet Jeans về sự thích nghi, thích ứng của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Từ 26/3 toàn bộ hệ thống của hãng thời trang GenViet với 80 cửa hàng hoàn toàn đóng cửa để hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ vì sức khỏe cộng đồng. Nhà máy đang sản xuất gia công cho các thương hiệu nước ngoài đã phải dừng lại vì đối tác tại thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng.

Các nguồn thu từ kênh bán hàng truyền thống bắt đầu thu hẹp lại, bà Thanh Hải cho biết, cho đến cuối tháng 3, GenViet sụt giảm 70% doanh thu trong khi vẫn phải chi trả chi phí nguyên liệu, vận hành công ty, thuê mặt bằng và chế độ cho người lao động.

Dù không mong muốn nhưng công ty buộc phải giảm tiền lương của toàn hệ thống, trong đó, khối giám đốc giảm từ 50-70%, các trưởng phó phòng là 40% và nhân viên là 30% mức lương của tháng 3 để có nguồn kinh phí giữ công ty và tìm giải pháp để vực dậy trong các tháng tiếp theo.

"Tôi vẫn nhớ khi đó, anh Dũng (ông Nguyễn Huy Dũng, Tổng Giám đốc công ty - PV) không đồng ý giảm lương của nhân viên. Nhưng các bạn trưởng nhóm nói rằng, họ đã được nhân viên phản hồi về việc sẽ chung tay cùng giảm lương vì đây là khó khăn chung. Trong lúc sóng to gió lớn, thì những tấm lòng đó của nhân viên thực sự trân quý", bà Hải chia sẻ.

Nhìn nhận đây là giai đoạn chồng chất trở ngại cho ngành may mặc, thời trang nhưng bà Hải cũng coi đây là cơ hội để doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng nhanh, chấp nhận những điều trước đây chưa từng nghĩ đến.

Đại diện của GenViet cho biết, trong khi offline sụt giảm nghiêm trọng và "đóng băng" thì các chỉ số thương mại điện tử, đặt hàng qua Facebook, Website, Zalo... vẫn tăng 40% và đây đang là kênh bán hàng được tập trung đẩy mạnh đầu tư để giúp doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn này.

"Đứng trước nguy cơ tồn kho hàng sản xuất cho mùa vụ 2020 chưa kịp có cơ hội xuất hiện trên thị trường do dịch bệnh, ngoài kênh bán hàng online thì chúng tôi phát động chương trình "chiến binh GenViet thời Covid", bà Hải chia sẻ.

Theo đó, toàn bộ công ty chuyển từ chế độ "SOS" sang thời chiến, nhân lực từ giám đốc đến nhân viên đều dốc toàn lực, trở thành "chiến binh" bán hàng của công ty. Tùy theo từng vị trí và khả năng mà mỗi người sẽ đăng ký mức doanh số có thể đạt được.

Đơn cử, cấp giám đốc là bán được 5 triệu đồng đơn hàng, hay cấp trưởng phòng là 4 triệu đồng. Các mức thấp hơn từ 2 triệu đồng là của đội ngũ nhân viên. Không chỉ nhận đơn hàng, mà nhân viên có thể sẽ chịu trách nhiệm giao hàng cho khách để có thêm thu nhập là phí ship.

Việc tái cấu trúc phong cách thời trang mùa dịch, lấy khẩu trang làm điểm nhấn cũng được triển khai khi doanh nghiệp này chuyển hướng sản xuất khẩu trang thời trang Jeans kháng khuẩn, kháng nước và chống tia UV để tìm kiếm doanh thu.

"Nhiều người nói, hàng hóa, quần áo không bán đi thì vẫn còn đó, tài sản vẫn còn đó. Nhưng không phải, nếu chúng tôi không làm gì đó, không tự cứu mình và ngay cả các lãnh đạo nếu không bắt tay vào làm từ những việc nhỏ nhất thì không còn cơ hội để vực dậy cả hệ thống sau cơn bão đại dịch Covid-19", bà Hải chia sẻ.

Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, thời trang đã phải hoãn giao hàng, không kí tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản vì dịch Covid-19.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước tính đến tháng 6/2020, ngành này có thể thiệt hại tới 12.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may cũng ước tính, có 2 kịch bản xảy ra trong thời gian tới. 

Nếu dịch kết thúc vào tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6 thì ngành dệt may ước tính thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Thứ hai, trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài sau tháng 5 thì sẽ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi tháng.

Nguồn "Soha.vn"