Quần áo mang "Gen" của người Việt
Xuất phát điểm từ nhà sản xuất bán buôn ở thị trường miền Bắc với 19 năm kinh nghiệm trong ngành may, nhưng mãi tới năm 2010, GenViet mới chính thức ra mắt thương hiệu. Sự kiện giúp hãng giành quyền chủ động từ khâu sản xuất đến giao sản phẩm tận tay khách hàng.
Cách đây vài thập kỷ, thị trường may mặc Việt Nam vốn rất giàu tiềm năng nhưng chưa có nhiều thương hiệu nổi bật. Nguyên nhân chính, ngoài việc phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nước ngoài, còn tới từ năng lực hạn chế về thiết kế và làm thương hiệu.
Bà Trịnh Thanh Hải – Giám đốc Marketing của GenViet nhớ lại, trong giai đoạn này, GenViet chưa làm thương hiệu, chỉ dừng ở vai trò một nhà sản xuất bán cho người bán buôn. Tình trạng này có rất nhiều “nỗi đau”: Thứ nhất, cán bộ, công nhân viên không có công việc ổn định do đơn đặt hàng phần lớn là ngắn hạn, không có kế hoạch trước; Thứ hai, người tiêu dùng thiệt thòi vì phải mua sản phẩm với quá nhiều nấc giá qua các khâu trung gian. Bên cạnh đó, các nhà đổ buôn lại không muốn chịu trách nhiệm về sản phẩm bán cho khách hàng.
Chính vì ý thức được lợi ích của người tiêu dùng Việt bị tổn hại, GenViet đã quyết tâm chuyển trạng thái từ một nhà sản xuất đơn thuần sang nhà sản xuất kết hợp nhà phân phối bán lẻ, đưa sản phẩm mình làm ra đến tận tay người tiêu dùng.
“Năm 2010, chúng tôi mở cửa hàng đầu tiên ở 29 Bà Triệu. Lúc đó là sản phẩm quần Jean, chúng tôi là hệ thống hàng đồng giá đầu tiên tại Việt Nam. Với thế mạnh là nhà sản xuất, đảm bảo uy tín với đại lý, nên hệ thống của GenViet đi rất nhanh. Chỉ trong vòng 3 năm, hệ thống đã phủ đến thị trường miền Trung”.
Để duy trì được hệ thống hàng đồng giá, việc chủ động nguồn nguyên vật liệu là tối quan trọng trước sự biến động liên tục của nền kinh tế thế giới, cũng như quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc. 1 năm sau khi ra mắt, GenViet đã có được nguồn nguyên liệu vải, đinh khuy và phụ liệu tin cậy, chắc chắn ở trong nước, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo bà Trịnh Thanh Hải, điểm độc đáo ở GenViet là quần áo được thiết kế phù hợp với phom dáng người Việt, giá dành cho người Việt và được sản xuất theo quy chuẩn vào thị trường Mỹ. Tiêu biểu như việc GenViet đã đưa công nghệ laser, xử lý nước thải đạt chuẩn vào quy trình sản xuất, vừa tiết giảm sử dụng nhân công, vừa làm tốt việc bảo vệ môi trường.
“Từ ý tưởng muốn hệ thống hóa theo quy chuẩn quốc tế, GenViet chấp nhận gia công, từ trước tới nay chúng tôi chưa hề gia công cho quốc tế bao giờ. Hiện 2 nhà máy ở Hà Nam, Thái Bình có 800 công nhân thì công suất gia công nước ngoài là 60%. Vì vậy, khách hàng của chúng tôi được mặc đồ có giá, phong dáng Việt Nam nhưng chất lượng, quy chuẩn Mỹ”.
Đề cập vấn đề thiết kế, bà Trịnh Thanh Hải cho biết, GenViet hướng tới đối tượng thanh niên (24-30 tuổi) và những gia đình trẻ (30-40 tuổi) với mục tiêu vừa thời trang vừa có tính công năng. Do phong dáng người Việt mặc đồ jean khác hẳn người Mỹ, châu Âu, GenViet đã dày công nghiên cứu ra những thiết kế phù hợp sử dụng chất liệu, phong dáng thoải mái. Ví dụ, mùa hè sản phẩm sẽ mang nhiều chất liệu cotton, mùa đông khí hậu khắc nghiệt sẽ có nhiều Spandex (vải nhân tạo có đọ co giãn, giữ ấm tốt).
“Thiết kế của GenViet khỏe mạnh, thoải mái, nhưng có yếu tố văn hóa. Khách hàng mặc, họ tự tôn về những giá trị truyền thống của con người Việt Nam. Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng lồng ghép khéo léo thành Nhà Hồ, văn hóa dân tộc trong các bộ sưu tập, trong các sản phẩm. GenViet đề cao yếu tố thời trang, công năng và văn hóa”.
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, GenViet cũng gặp nhiều khó khăn về quản trị khi phát triển hệ thống, khoác lên mình “tấm áo” quá khổ. GenViet đã phải mời các chuyên gia tư vấn hàng đầu về văn hóa doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp để tái cấu trúc 5 năm/lần nhằm duy trì tốc độ phát triển, vươn lên một vị thế mới.
Từ trước đến nay, khát khao lớn nhất của GenViet luôn là đưa sản phẩm jean tốt nhất đến người Việt Nam. Và hiện nay, GenViet tiếp tục phấn đấu phát triển để tạo cảm hứng cho các gia đình trẻ, giúp họ thêm yêu mến các sản phẩm của Việt Nam.
Bà Trịnh Thanh Hải, đại diện thương hiệu GenViet bày tỏ mong muốn slogan của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tương lai sẽ được chuyển đổi thành “Người Việt Nam yêu thích hàng Việt Nam”. Bởi lẽ, từ “ưu tiên” chỉ có hiệu quả trong thời gian đầu, còn về lâu dài, việc mua hàng Việt Nam phải xuất phát từ sự tin yêu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chưa bao giờ quay lưng với hàng Việt Nam, trái lại, họ luôn mơ ước, tự hào được dùng hàng Việt chất lượng cao, do đó, các doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng để giành được niềm tin ấy.
Nguồn: Báo VOV