Trước năm 1975, quần jeans đã xuất hiện trên các phim Mỹ chiếu khắp Sài Gòn và được nhiều người Mỹ sang VN mặc.

Đầu thập niên 1970, từ mốt quần jeans ống loe và áo bó sát người của thời trang hippy, tại Sài Gòn, một số người Việt đã cải tiến may quần ống loe bằng vải tổng hợp và áo chẽn bằng vải polyester. Những năm đó ra đường, đâu đâu cũng thấy thanh niên nam nữ mặc quần ống loe, áo chẽn, đi giày đế cao, đeo kính mát mắt to. Trang phục phổ biến dễ nhận ra giới hippy nhất là quần jeans gấu bung tua mặc với áo sô mỏng, mắt kính gọng tròn kiểu John Lennon, con trai và con gái đều để tóc dài, tới vai hoặc hơn.

Trong khi đó, người Hà Nội biết đến quần jeans do xem phim Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại (do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất), trong đó nhân vật đóng vai người hùng da đỏ mặc quần jeans do diễn viên nổi tiếng Dinzit đóng. Và cũng nhiều người biết kiểu quần này vì có một vài người mặc, họ được người thân sống ở Pháp gửi cho.

"Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại" đã giúp cho người Hà Nội biết đến quần Jeans

Sau khi đất nước thống nhất, thời trang có sự thay đổi lớn. Thanh niên miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, nhanh chóng chuyển sang ăn mặc theo các mốt: quần loe, áo hoa may chẽn, đi giày đế cao, thắt chiếc khăn lụa hoa ở cổ. Và, từng có nhiều cơ quan treo tấm biển ở ngay cổng ra vào có dòng chữ: “Không tiếp thanh niên quần loe tóc dài”. Rất nhiều phường đã thành lập đội thanh niên cờ đỏ, buổi tối họ chặn một khúc phố, cứ thấy ai mặc quần loe, hay tóc dài là giữ lại lấy kéo cắt một nhát từ gấu lên tận đùi. Quần jeans cũng bị cấm vì bị coi là biểu trưng cho nước Mỹ, cho chủ nghĩa tư bản.

Quần jeans phổ biến ở TP.HCM thập niên 1990

Mốt “bụi”

Sau khi quân tình nguyện VN giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng năm 1979, hàng hóa Thái Lan các loại qua ngả Campuchia tràn về VN. Bên cạnh vải, thuốc lá, đồ tiêu dùng có cả chiếc quần jeans hiệu KingJo. Quần chỉ có màu xanh với hai kiểu là ống đứng và ống hơi loe. Thời điểm này, quần áo bằng chất liệu ni lông và sợi tổng hợp không còn hấp dẫn nữa nên nhiều thanh niên đã chọn quần jeans, loại quần mà cả nam và nữ đều mặc được lại tha hồ “lăn lê bò toài”, nếu bị chê bẩn thì có thể thanh minh là theo mốt bụi. Một số thanh niên dùng bật lửa Zippo còn nhét vào túi nhỏ để lòi cái nắp trắng cho thiên hạ biết ta là dân chơi. Điều làm cho nhiều thanh niên thời kỳ này lựa chọn quần jeans vì mặc đi làm cũng được, đi chơi cũng phù hợp nên dù giá 2 chỉ vàng một chiếc, họ vẫn bỏ tiền mua. Vì nhu cầu tăng lên nên đầu những năm 1980, hầu như các chợ lớn ở VN đều có bán quần bò Thái.

Cũng trong những năm này, vì gửi USD về nước rất khó nên nhiều người định cư ở Mỹ và Tây Âu đã gửi cho người nhà trong nước quần jeans hiệu Levi Strauss, Lee… màu xanh hay màu chì để bán lấy tiền sinh sống. Mặc quần jeans của các hãng nổi tiếng thành mốt của nhiều thanh niên có điều kiện, thêm giày thể thao Tiệp hay Đức thì quá đỉnh.
Trong những năm 1980, ngoài cán bộ đi học tập, công tác ở Liên Xô, còn một số lượng lớn người lao động VN sang đó làm việc và khi đi thì trai hay gái, già hay trẻ, đa số khoác một bộ jeans trên người, trong hành lý còn có thêm một bộ nữa theo tiêu chuẩn. Một chiếc quần Lee hay Levi Strauss có giá là 250 rúp (tiền Nga) thời đó thì người mang sang lãi một nửa.
Những năm 1987, 1988, ngoài các kiểu quần jeans cổ điển thì thị trường xuất hiện nhiều kiểu khác là jeans mốc, jeans mài, rách gối, loang lổ...

Nguồn: Sưu tầm